[BizDEAL] Cổ phiếu thép tăng mạnh, cổ đông lớn của hai “đại gia” Hòa Phát (HPG) và Hoa Sen (HSG) vẫn chưa thể thoái hết vốn

Rate this post

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã tăng gấp 2,2 lần trong 1 năm qua trong khi cổ phiếu HSG của Hoa Sen cũng tăng tới 5,5 lần sau 8 tháng.

Ảnh minh họa.

Chỉ bán được 13% số cổ phiếu trong lần đăng ký trước, PENM III muốn thoái nốt 66,5 triệu cổ phiếu HPG

Quỹ ngoại PENM III Germany GmbH & Co. KG đã đăng ký bán nốt 66,5 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng 2,01% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Hòa Phát để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 07/01-05/02/2020.

Trước đó, quỹ đầu tư này cũng đã đăng ký thoái toàn bộ hơn 76,5 triệu cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ 2,31% vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, PENM III chỉ bán được 10 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 13% trong tổng khối lượng đã đăng ký do giá thị trường không đạt kỳ vọng.

Động thái bán ra được PENM III lý giải là xuất phát từ việc quỹ ngoại này sắp đến thời hạn kết thúc quỹ vào năm 2021 sau 10 năm hoạt động.

Thực tế, PENM Partners đã có nhiều năm đầu tư vào cổ phiếu HPG thông qua các quỹ PENM II, PENM III và PENM IV từ năm 2008 đến nay và vẫn luôn khẳng định cam kết đầu tư lâu dài với các quỹ hiện tại và quỹ mới trong tương lai. Ngoài PENM III, quỹ PENM IV cũng đang sở hữu 39 triệu cổ phiếu HPG.

Trong động thái tương tự, ông Nguyễn Ngọc Quang, thành viên HĐQT Hòa Phát cũng đã hoàn tất bán 1 triệu cổ phiếu HPG qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 1,89% từ ngày 11/12-30/12/2020.

Trên thị trường, cổ phiếu HPG vẫn duy trì sự bền bỉ dù đã tăng liên tục từ đáy Covid cuối tháng 3/2020 mà gần như không trải qua nhịp điều chỉnh nào thực sự rõ ràng. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức đỉnh lịch sử 42.650 đồng/cổ phiếu, gấp 2,2 lần thời điểm cách đây 1 năm. Tạm tính tại mức thị giá này, số tiền PENM III có thể thu về vào khoảng 2.800 tỷ đồng.

Cổ phiếu tăng gấp 5 lần từ đáy Covid, Đầu tư Hoa Sen vẫn chưa thể bán hết cổ phiếu HSG

Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen mới đây đã hoàn tất bán ra 27 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) thông qua phương thức thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 4/12/2020 – 2/1/2021.

Trước đó, Đầu tư Hoa Sen đã đăng ký bán toàn bộ 43,1 triệu cổ phiếu HSG (tỷ lệ 9,7%) đang nắm giữ tuy nhiên không bán hết với lý do giá chưa đạt kỳ vọng. Sau giao dịch, công ty riêng của Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ còn sở hữu 16,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 3,63% lượng cổ phiếu lưu hành của HSG.

Trên thị trường, HSG là một trong những cổ phiếu tăng ấn tượng nhất trong khoảng thời gian từ đáy Covid hồi tháng 3/2020 đến nay. Hiện cổ phiếu này đang tiến gần vùng đỉnh lịch sử với 23.800 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng gấp 5,5 sau 8 tháng.

Trong thời gian diễn ra giao dịch của Đầu tư Hoa Sen, cổ phiếu HSG cũng có nhịp tăng khá mạnh từ vùng giá dưới 19.000 đồng/cổ phiếu lên giao dịch quanh 24.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính, công ty riêng của ông Vũ có thể “bỏ túi” tối thiểu 500 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn muốn bán bớt 12 triệu cổ phiếu Novaland (NVL)

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã NVL) đã đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu NVL theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 12/1 – 10/2/2021.

Hiện ông Nhơn đang là cổ đông lớn nhất tại Novaland trực tiếp nắm giữ tới 216,8 triệu cổ phiếu NVL, tương ứng tỷ lệ 22% vốn. Nếu giao dịch thành công, ông Nhơn sẽ giảm sở hữu xuống còn 204,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20,8%.

Động thái đăng ký bán ra của Chủ tịch HĐQT diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu NVL bất ngờ bật tăng mạnh từ đầu năm 2021. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 73.500 đồng/cổ phiếu, tăng 13% sau vài phiên giao dịch. Tạm tính tại mức thị giá này, ông Nhơn có thể “bỏ túi” hơn 880 tỷ đồng cho thương vụ thoái bớt vốn này.

ACBS ước tính doanh thu năm 2020 của Novaland là 7.872 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ, lợi nhuận dự kiến 3.666 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước qua đó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận dù mới thực hiện 53% kế hoạch doanh thu.

Cổ phiếu lao dốc, cổ đông lớn TNI bán ra hơn 9% vốn điều lệ

Từ cuối năm 2020, bà Trần Kim Phượng, cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Thành Nam (mã TNI) đã liên tục bán ra cổ phần và hạ tỷ lệ nắm giữ tại đây về 4,11%.

Theo đó, từ ngày 22/12/2020 đến 06/01/2021, bà Phượng đã 5 lần báo cáo về việc bán cổ phần TNI. Theo đó, số lượng cổ phần mà bà Phượng nắm giữ tại đây giảm từ 6,9 triệu cổ phiếu xuống còn 2,2 triệu cổ phiếu, tương ứng sau khi hoàn tất cả giao dịch trên, tỷ lệ sở hữu của bà Phượng tại TNI giảm từ 13,16% về 4,11% và không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này kể từ ngày 06/01.

Với thị giá 3.630 đồng/cổ phiếu, ước tính bà Phượng đã thu về hơn 17 tỷ đồng sau các giao dịch trên. Việc bán ra của bà Phượng diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu TNI liên tục lao dốc.

Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, TNI lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế gần 12 tỷ đồng.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version