[BizDEAL] Cổ phiếu tăng mạnh, Dragon Capital tranh thủ chốt lời HPG và FRT

Rate this post

Ước tính số tiền Dragon Capital có thể thu về từ các giao dịch thoái vốn tại FPT Reatail và Hòa Phát thời gian gần đây vào khoảng 220 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Dragon Capital tiếp tục giảm sở hữu tại FPT Retail (FRT)

Nhóm quỹ Dragon Capital mới đây đã tiếp tục bán ra và hạ tỷ trọng cổ phiếu FRT của FPT Retail.

Theo đó, quỹ này dã thực hiện bán gần 2,4 triệu cổ phiếu FRT trong thời gian 10-12/12. Trong đó, các quỹ thành viên bán ra là Wareham Group Limited (1,55 triệu cổ phiếu) và Vietnam Enterprise Investments Limited (804.970 cổ phiếu).

Trước đó, trong 3 ngày từ 2-4/12, nhóm quỹ Dragon Capital liên tiếp thoái vốn khỏi FPT Retail từ mức 8,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,02%) về còn 6,8 triệu đơn vị (tỷ lệ 8,6%).

Tính chung với việc thoái trước đó không lâu, tổng khối lượng quỹ này bán ra gần 6,5 triệu cổ phiếu, khoảng 8,1% vốn. Tỷ lệ sở hữu theo đó giảm xuống còn 5,19% vốn, tương đương hơn 4,1 triệu cổ phần.

Trên thị trường, cổ phiếu FRT có đà tăng giá từ 22.000 đồng/cổ phiếu lên 28.150 đồng/cổ phiếu trong thời gian quỹ ngoại rút vốn. Tạm tính theo mức thị giá trên, số tiền Dragon Capital thu về vào khoảng 160 tỷ đồng.

Tương tự, Dragon Capital cũng đã bán 1,5 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát qua đó giảm lượng nắm giữ còn 197,5 triệu đơn vị, tương đương gần 6% vốn. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu vượt 1% là 15/12. Tạm tính theo giá kết phiên hôm 15/12 là 38.600 đồng/cổ phiếu, Dragon Capital có thể đã thu về 57,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngay trước đó, quỹ ngoại này trước đó đã mua vào 500.000 cổ phiếu HPG với ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 14/12.

Ngoài Dragon Capital, quỹ PENM III Germany GmbH &Co. KG (Đức) cũng đang đăng ký bán toàn bộ 76,5 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 2,31% vốn trong thời gian từ 27/11 đến 25/12. Việc bán cổ phiếu là do sắp đến thời hạn đóng quỹ vào năm 2021.

Gần đây, nhiều lãnh đạo của Hòa Phát cũng đăng ký bán cổ phiếu. Trong thời gian từ 10/12 đến 8/1/2021, Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Quang đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu trong số 63,7 triệu đơn vị đang nắm giữ.

Phó Chủ tịch HĐQT Doãn Gia Cường bán thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu cho Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long trong phiên 30/11. Trước đó, thành viên HĐQT Tạ Tuấn Quang cũng bán bớt 900.000 cổ phiếu vào ngày 28/10.

GMD tăng mạnh, VI Fund II đã bán xong gần 43 triệu cổ phiếu của Gemadept

Quỹ VI (Vietnam Investments) Fund II L.P đã hoàn tất bán ra toàn bộ hơn 42,86 triệu cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept (tỷ lệ 14,44%) và không còn là cổ đông lớn. Giao dịch thực hiện từ 21/11 đến 17/12/2020.

VI Fund II muốn thoái vốn tại Gemadept trong bối cảnh giá cổ phiếu GMD liên tục tăng mạnh. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay cổ phiếu GMD đã tăng khoảng 42%, từ vùng giá 22.300 đồng/cổ phiếu lên 31.700 đồng/cổ phiếu như hiện nay – cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, cổ phiếu GMD tính ra chỉ mới bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 11/2020 đến nay với tỷ lệ tăng khoảng 35%.

Một thông tin liên quan, VI Fund II thoái vốn khỏi Gemadept chỉ khoảng 4 tháng sau khi muốn mua lượng lớn cổ phiếu GMD nhưng không thành. Thời điểm đó VI Fund II đăng ký mua hơn 16,5 triệu cổ phiếu GMD trong khoảng thời gian từ 4/8 đến 29/8/2020 nhưng không mua được cổ phiếu nào.

Trong lúc VI Fund II bán ra, thì quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund lại liên tục mua vào. Trước đó ngày 25/8/2020 quỹ này mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu và ngày 14/12/2020 lại mua thêm tiếp 1 triệu cổ phiếu, nâng tổng lượng cổ phiếu GMD sở hữu lên trên 18,36 triệu đơn vị (tỷ lệ 6,18%).

REE tăng mạnh, Platium Victory đăng ký mua thêm hơn 16 triệu cổ phiếu

Platium Victory Pte.Ltd đã thông báo đăng ký mua thêm hơn 16,16 triệu cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thận hoặc khớp lệnh từ 24/12/2020 đến 22/1/2021.

Hiện Platium Victory đang sở hữu hơn 92,35 triệu cổ phiếu REE tương ứng 29,70% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty. Nếu giao dịch thành công, Platium Victory nâng lượng sở hữu lên hơn 108,51 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 34,99%).

Đáng chú ý, sau nhiều lần đăng ký mua số lượng thấp hơn, hơn 660.000 cổ phiếu đều không thành công, lần này Platium “đổi chiến lược”, đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu. Các lần đăng ký mua trước không thành công đều với lý do “điều kiện thị trường không thuận lợi”.

Platium mua vào trong bối cảnh giá cổ phiếu REE liên tục tăng, xác lập các đỉnh mới. REE đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/12/2020 ở mức giá 46.600 đồng/cổ phiếu.

Từ đầu tháng 12 đến nay cổ phiếu REE đã duy trì vùng giá cao, từ 46.300 đồng/cổ phiếu đến xấp xỉ 48.600 đồng/cổ phiếu – vùng giá cao nhất từ trước đến nay.

Nhà đầu tư Nhật đã mua lại hơn 24% vốn tại công ty logistics Transimex

Ngày 14/12, cổ phiếu TMS của Transimex ghi nhận giao dịch thỏa thuận lớn với hơn 17 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn doanh nghiệp được chuyển giao. Bên bán ra là Casco Investments Limited sau hơn 8 năm trở thành cổ đông lớn và thu về khoảng 560 tỷ đồng.

Cùng chiều, công ty con của Chủ tịch Bùi Tuấn Ngọc là Đầu tư Toàn Việt cũng đã bán 1,16 triệu cổ phần từ ngày 12/11-11/12. Sau giao dịch, Đầu tư Toàn Việt vẫn nắm giữ gần 3,62 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,1% tỷ lệ sở hữu và vẫn là cổ đông lớn tại Transimex.

Một công ty khác liên quan Chủ tịch là Đầu tư và Thương mại Thiên Hải mới đây cũng đăng ký bán hết hơn 2,2 triệu cổ phần TMS, tương đương 3,14% vốn. Thời gian thực hiện từ ngày 18/12/2020-15/1/2021, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Ngược lại, CTCP Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam đã mua vào gần 17 triệu cổ phần TMS, thay thế Casco và chính thức trở thành cổ đông lớn TMS với tỷ lệ nắm giữ hơn 24% vốn.

Được biết, Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Ryobi Holding, được thành lập từ tháng 9/2014 với ngành nghề chính là dịch vụ kho bãi. Công ty định hướng tập trung mở rộng chuỗi kho lạnh ở các nước khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Động thái mua vốn Transimex lần này có thể xem là một trong những kế hoạch M&A nhằm mở rộng kinh doanh tại Việt Nam nhà đầu tư Nhật Bản này.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version