[BizDEAL] Các quỹ ngoại chốt lời cổ phiếu Hòa Phát gần vùng đỉnh

Rate this post

Ước tính theo mức thị giá cổ phiếu HPG, PENM III và nhóm Dragon Capital đều có thể “bỏ túi” hơn 300 tỷ đồng từ các đợt bán ra vừa qua.

Ảnh minh họa.

PENM III và nhóm Dragon Capital tranh thủ chốt lời cổ phiếu Hòa Phát

Quỹ ngoại PENM III Germany GmbH & Co. KG vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 7 triệu cổ phiếu HPG đang sở hữu, tương đương 0,21% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG). Giao dịch dự kiến được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 23/2 – 22/3/2021.

Thời gian gần đây, PENM III liên tục có động thái thoái vốn khỏi Hòa Phát do sắp đến hạn kết thúc quỹ sau 10 năm hoạt động vào năm 2021. Dù vậy sau nhiều lần bán ra, quỹ ngoại này vẫn chưa thể thoái hết vốn.

PENM III bắt đầu chiến dịch rút vốn tại Hòa Phát vào tháng 11/2020 khi đăng ký bán ra toàn bộ 76,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ thời điểm đó tuy nhiên quỹ ngoại này chỉ bán được 10 triệu đơn vị do giá không đạt kỳ vọng.

Sau đó đến đầu năm 2021, PENM III tiếp tục đăng ký bán 66,5 triệu cổ phiếu nhưng vẫn không thoái hết, còn hơn 7 triệu đơn vị như hiện nay cũng với lý do trên.

Trong diễn biến tương tự, cổ đông lớn khác của Hòa Phát là nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý cũng tranh thủ chốt lời khi giá cổ phiếu tăng mạnh. Theo thông báo, nhóm quỹ này đã bán ra tổng cộng gần 7,3 triệu cổ phiếu HPG trong đó lượng cổ phiếu bán ra chủ yếu đến từ Norges Bank (7,2 triệu đơn vị). Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã giảm từ 6,1% xuống xấp xỉ 5,9%, ngày làm thay đổi tỷ lệ này là 9/2/2021.

Đáng chú ý, động thái thoái vốn của các quỹ ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPG vẫn tăng bền bỉ trên thị trường qua đó liên tục thiết lập mức đỉnh mới. Sau nhịp điều chỉnh cuối tháng 1/2021, cổ phiếu này đã trở lại xu hướng tăng và tiến gần vùng đỉnh lịch sử với 43.450 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần sau chưa đầy 1 năm.

FPT liên tục phá đỉnh, Norges Bank “chốt lãi” 1 triệu cổ phiếu

Quỹ ngoại Norges Bank mới đây đã bán ra 1 triệu cổ phiếu CTCP FPT (mã FPT) trong tổng số hơn 6,47 triệu cổ phiếu quỹ này đang sở hữu. Giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn hơn 5,47 triệu cổ phiếu. Giao dịch thực hiện ngày 17/2/2021.

Sau giao dịch, nhóm cổ đông lớn liên quan Norges Bank gồm 11 quỹ đã giảm lượng sở hữu cổ phiếu FPT từ hơn 39,41 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,0276%) xuống còn hơn 38,41 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,9%) và không còn là nhóm cổ đông lớn.

Norges Bank bán ra cổ phiếu FPT trong bối cảnh cổ phiếu này đang tăng mạnh, liên tục phá đỉnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay FPT đã tăng khoảng 32% từ vùng giá 59.100 đồng/cổ phiếu lên 78.200 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/2/2021). Trước đó, quỹ này cũng đã thông báo bán ra 7,2 triệu cổ phiếu HPG vào ngày 18/2.

Phiên giao dịch ngày 17/2/2021 là phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ tết. Cổ phiếu FPT đóng cửa phiên giao dịch này ở mức 77.900 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, số cổ phiếu Norges Bank bán ra có giá trị khoảng 77,9 tỷ đồng.

Cơ điện lạnh REE tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại Nhiệt điện Quảng Ninh

CTCP Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE) mới đây đã bán ra 5 triệu cổ phiếu QTP của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh đăng ký bán trước đó. Giao dịch thực hiện từ 21/1 đến 17/2/2021.

Sau giao dịch Cơ điện lạnh REE giảm lượng sở hữu cổ phiếu QTP từ hơn 34,58 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,69%) xuống còn hơn 29,58 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,57%).

Động thái bán ra lượng lớn cổ phiếu QTP của Cơ điện lạnh REE bắt đầu từ đầu năm 2020. Thời điểm đó Cơ điện lạnh REE đang nắm giữ hơn 42 triệu cổ phiếu QTP. Các giao dịch bán ra được thực hiện thường xuyên, liên tục trong cả năm qua.

Trên thị trường, QTP chỉ mới bứt phá mạnh từ đầu năm 2021, mở cửa ở mức giá 11.800 đồng/cổ phiếu, QTP nhanh chóng tăng lên mức 14.900 đồng/cổ phiếu sau 12 ngày đầu năm. Tuy nhiên sau đó QTP đã điều chỉnh giảm về mức 13.400 đồng/cổ phiếu.

Thư ký HĐQT của SAM Holdings đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu SAM

Ông Nguyễn Tiến Việt, Thư ký Hội đồng quả trị kiêm Người quản trị CTCP SAM Holdings (mã SAM) vừa thông báo đăng ký bán toàn bộ hơn 10 triệu cổ phiếu SAM đang sở hữu để cơ cấu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ 23/2 đến 22/3/2021.

Số cổ phiếu mà ông Nguyễn Tiến Việt đăng ký bán ra chiếm 3,905% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của SAM Holdings.

Trên thị trường, cổ phiếu SAM để lại nhiều biến động về giá. Từ mức dưới mệnh giá, SAM bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 2/2020 đến nay, vượt cả mốc 14.000 đồng/cổ phiếu, trước khi quay đầu điều chỉnh về mức 11.750 đồn/cổ phiếu như hiện nay.

Kết quả kinh doanh năm 2020, doanh thu thuần đạt 1.919 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế đi ngang với hơn 101 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 93 tỷ đồng.

Một nhà đầu tư bán hơn 6 triệu cổ phiếu SSN để giải quyết nhu cầu tài chính

Ông Huỳnh Cao Tuấn, một nhà đầu tư cá nhân, vừa báo cáo giao dịch cổ phiếu SSN của CTCP XNK Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex).

Theo đó, trong 2 ngày 4 và 5/2/2021 ông Huỳnh Cao Tuấn đã bán ra tổng cộng hơn 6,1 triệu cổ phiếu SSN, giảm lượng sở hữu tại Seaprodex từ gần 8,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21,15%) xuống còn hơn 2,24 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,67%). Lý do bán cổ phiếu là để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Trên thị trường, SSN mở cửa phiên đầu năm 2021 ở mức 5.000 đồng/cổ phiếu và tăng mạnh lên 7.400 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 13/1/2021. Tuy nhiên sau đó SSN đã giảm mạnh, mất mốc 5.000 đồng/cổ phiếu, đúng thời điểm ông Huỳnh Cao Tuấn bán ra.

Về lịch sử giao dịch, lần gần nhất ông Huỳnh Cao Tuấn mua vào cổ phiếu SSN là vào cuối tháng 6/2019 khi nhà đầu tư này mua thêm hơn 4 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 2.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 10 tỷ đồng.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version