Bắt tổng giám đốc công ty liên quan “đại án” buôn lậu xăng giả

Rate this post
Công an tỉnh Đồng Nai vừa thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối tượng Trần Huy Lập – Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm để điều tra về hành vi buôn lậu.
Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm tại TP.HCM
Liên quan đến quá trình đấu tranh, mở rộng Chuyên án 920G, hôm nay (7/4), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP.HCM, Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông khám xét thêm 9 địa điểm là trụ sở công ty, nhà ở và các cây xăng của Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm.
Theo cơ quan điều tra, Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm có 6 cổ đông, được đăng ký lần đầu vào ngày 31/12/2013, đăng ký thay đổi lần thứ 9 vào ngày 29/6/2020 có trụ sở tại 60A, Hoàng Quốc Việt, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM với vốn đầu tư 153 tỷ đồng.
Công ty này do Trần Huy Lập, sinh năm 1960, hộ khẩu thường trú tại 38/30, Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận làm Tổng giám đốc.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở của Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm Trần Huy Lập để điều tra về hành vi buôn lậu.
Ông Lập bị bắt trong bối cảnh Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an mở rộng điều tra chuyên án buôn lậu xăng dầu giả.
Hiện Chuyên án 920G vẫn đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra mở rộng.
Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập Chuyên án 920G, triệt phá đường dây buôn lậu, sản xuất 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm đầu.
Đêm 6/2, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các lực lượng chức năng đã đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại các tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM.
Lực lượng chức năng đã giữ 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 xà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, 2,68 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỷ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.
Theo cơ quan công an, đường dây này cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả ra thị trường mỗi ngày. Từ tháng 8/2020 đến khi phát hiện, 200 triệu lít xăng giả đã được nhóm nghi phạm đưa ra thị trường.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ Công an xác định đây là vụ án lớn. Ngày 18/3, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng quyết định đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi và chỉ đạo.
“Quá trình điều tra ban đầu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý và có hiện tượng bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả”, người phát ngôn Bộ Công an thông tin thêm.
Cũng theo ông Xô, tính đến cuối tháng 3, cơ quan công an đã khởi tố 52 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can về tội hối lộ. Vật chứng thu giữ gồm 14 tàu thủy, 10 xe bồn, 13 ô tô, hàng triệu lít xăng và hóa chất pha chế xăng giả, trên 123 tỷ đồng tiền mặt, 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan công an cũng niêm phong nhiều bến thủy nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng, phong tỏa kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng của các đối tượng.
“Số tiền phong tỏa là trên 200 tỷ đồng. Vụ án này cho thấy hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu, trên quy mô rộng, thủ đoạn tinh vi có sự tham gia của một cá nhân, tổ chức trong hệ thống, có bảo kê nên khó khăn trong phá án”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nhận định.

HOÀNG HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version