Bán VNPAY EPAY cho Hàn Quốc lãi gấp 7 lần, một thành viên của VNPT bị kiện đòi bồi thường gần 800 tỷ đồng

Rate this post

VMG từng thoái vốn thành công tại VNPT EPAY cho Global Payment Service (GPS) và UTC Investment (UTC), thu về 519 tỷ đồng, gấp 7 lần so với giá vốn đầu tư.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020, CTCP Truyền thông VMG (mã ABC) ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 178 tỷ đồng, giảm tới 213 tỷ đồng so với số lãi 35 tỷ đồng trên báo cáo tự lập.

Sự chuyển lãi thành lỗ sau kiểm toán, theo giải trình từ phía VMG, chủ yếu đến từ khoản trích lập dự phòng rủi ro phải trả ngắn hạn 210 tỷ đồng trên báo cáo công ty mẹ. Đây là nghĩa vụ liên đới có thể phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần tại CTCP Thanh toán Điện tử VNPT (VNPT EPAY) ngày 16/5/2017 giữa VMG và Global Payment Service (GPS), UTC Investment (UTC).

Theo các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nêu trên, VMG phải chịu trách nhiệm bồi thường bất kỳ khiếu nại thuế nào phát sinh trực tiếp từ bất kỳ sự kiện hoặc vấn đề nào còn tồn tại trước khi hoàn thành hợp đồng và điều khoản bảo hành về tuân thủ pháp luật.

Ngày 20/1/2021, VMG nhận được thư từ Trọng tài quốc tế, trong đó có sự kiện ảnh hưởng đến xét đoán về rủi ro có thể xảy ra. VMG cho biết, do sự kiện phát sinh tại thời điểm công ty chuẩn bị tiến hành công bố báo cáo tài chính, công ty không có đủ thời gian và tư vấn từ chuyên gia để kịp điều chỉnh trong báo cáo tài chính tự lập. Các dự phòng rủi ro đã được công ty kiểm toán xem xét và đồng ý trích lập theo báo cáo tài chính sau kiểm toán.

Hiện nay, Trung tâm Trọng tài quốc tế đang tiến hành các thủ tục tố tụng và chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, VMG cho biết đã trích lập dự phòng phải trả GPS và UTC đối với nghĩa vụ có thể phát sinh do vi phạm các điều khoản bảo hành trong hợp đồng với số tiền gần 210 tỷ đồng.

Trước đó, theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 30/11/2018 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ, GPS và UTC cho rằng hoạt động của EPAY bao gồm cả những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam.

Năm 2019, GPS và UTC cho rằng VMG đã phản ánh không trung thực và chính xác tình hình tài chính của EPAY khi đưa doanh thu 5.352 tỷ đồng và EBITDA 27 tỷ đồng dẫn tới quyết định chưa chính xác trong việc mua bán cổ phần tại EPAY. Do đó, GPS và UTC đã tiến hành khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế và đòi VMG bồi thường 756 tỷ đồng.

THƯƠNG VỤ THOÁI VỐN EPAY LÃI GẤP 7 LẦN

Tháng 11/2016, VMG đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại EPAY cho GPS và UTC (GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC, cả hai có trụ sở tại Hàn Quốc). Tại thời điểm chuyển nhượng cổ phần, VMG nắm 62,25% cổ phần EPAY.

Đến cuối tháng 5/2017, UTC đã hoàn tất mua lại cổ phần từ VMG và các cổ đông thiểu số để sở hữu 65% của VNPT Epay; 35% cổ phần còn lại vẫn do VNPT nắm giữ.

VMG cho biết, công ty đã thu về 519 tỷ đồng từ thương vụ này, gấp 7 lần so với giá vốn đầu tư (74,7 tỷ đồng). Mức này tương ứng với việc định giá VNPT Epay ở mức 834 tỷ đồng, tương đương 36,7 triệu USD.

VNPT Epay được thành lập tháng 4/2008 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực trung gian thanh toán thẻ cào. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán, kinh doanh thẻ cào tương tự nhưng VNPT Epay là một trong những đơn vị có doanh số và lợi nhuận vào loại cao nhất.

VMG cho biết, tính từ 1/1 đến 16/5/2017 (thời điểm chuyển giao quyền sở hữu), VNPT đạt lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ. Doanh thu cụ thể của VNPT Epay không được công bố tuy nhiên nhiều khả năng là con số rất lớn do biên lợi nhuận của lĩnh vực trung gian thanh toán và kinh doanh thẻ cào cực thấp, chỉ khoảng 1-1,5%.

Sau khi bán VNPT Epay, lượng tiền mặt và tiền gửi của VMG Media lên đến gần 920 tỷ đồng. Công ty đã trích 5% số tiền bán VNPT Epay để thưởng cho các cán bộ nhân viên và chi gần 400 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ “khủng” lên đến 195% ngay trong lần đầu tiên kể từ sau khi lên sàn.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version