ACV gần như tiêu hết toàn bộ tiền mặt tích luỹ 5 năm xây sân bay Long Thành, lợi nhuận sụt giảm

Rate this post
Với số vốn tự có dự kiến của ACV, ACV có thể sẽ phải sử dụng toàn bộ số tiền tích lũy được trong 5 năm qua để xây sân bay Long Thành với tổng đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng.
Đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2020 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) đã thông qua việc đầu tư Dự án thành phần 3 sân bayLong Thành giai đoạn 1 do ACV được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3 (bao gồm các khoản thuế) là 99.019 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án gồm vốn chủ sở hữu tối thiểu 36.102 tỷ đồng. Phần còn lại sử dụng vốn vay (không sử dụng bảo lãnh Chính phủ) và các nguồn vốn hợp pháp khác (bao gồm cả vốn chủ sở hữu) theo quy định.

Trường hợp tăng vốn chủ sở hữu của ACV để đầu tư dự án, giảm tương ứng chi phí vốn vay và các chi phí liên quan dự kiến huy động các nguồn vốn khác, bảo đảm đầu tư tiết kiệm, hiệu quả.

Trước đó, ngày 11/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1777/QĐ – TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Cụ thể, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 109.111,7 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD. Dự án có mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2025.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (hải quan, công an, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ (BTL) hoặc Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BLT).

Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do ACV làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 4 – các công trình khác… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì lựa chọn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

lợi nhuận ảnh hưởng khi toàn bộ tiền mặt bỏ ra đầu tư

Trong báo cáo nhận định về ACV, Công ty chứng khoán VNDirect (VND) cho biết, với số vốn tự có dự kiến của ACV, ACV có thể sẽ phải sử dụng toàn bộ số tiền tích lũy được trong 5 năm qua. Thu nhập lãi tiền gửi của ACV dự báo sẽ giảm đáng kể với CAGR 2020-2025 là – 44,3%, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận khi thu nhập lãi đóng góp lần lượt 16%/17%/79% vào lợi nhuận trước thuế các năm 2018/2019/2020.

Hệ số nợ /VCSH sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới trong khi tiền mặt sụt giảm và thu nhập lãi ròng dự báo sẽ chuyển trạng thái âm kể từ 2023

“Chúng tôi ước tính ACV sẽ huy động khoảng 60.000 tỷ đồng thông qua vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu, đưa tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) từ 0,4 lần năm 2020 lên 1,3 lần năm 2025”, báo cáo VND cho biết.

VND duy trì đánh giá Khả quan với giá mục tiêu cao hơn 88.200 đồng/cổ phiếu ACV. Tuy nhiên, VND cũng chỉ ra các rủi ro chính như đại dịch Covid-19 kéo dài hơn dự kiến, thứ hai là tiến độ xây dựng sân bay Long Thành chậm hơn ước tính. Trong khi, tiềm năng tăng giá bao gồm tiến độ phát triển và phân phối vắc xin Covid-19 nhanh hơn dự kiến.

Dự báo lượng khách của ACV đến năm 2025

Sau khi khống chế đợt dịch bùng phát gần đây, Việt Nam đã chính thức nối lại các chuyến bay quốc tế từ giữa tháng 9 với các đường bay thường lệ đi/đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chuyến bay được giới hạn đối với hành khách cho mục đích học tập và làm việc. Chuyến bay VN417 của Vietnam Airlines đến Sân bay Nội Bài Hà Nội vào ngày 25/9 đánh dấu chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên kể từ tháng Ba.

Ngày 7/10, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) đã nhanh chóng tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế vào Việt Nam để điều chỉnh các quy định về kiểm dịch. Theo đại diện Cục HKVN, quy tắc kiểm dịch đối với người nước ngoài được thực hiện tốt; tuy nhiên, các vấn đề đã nảy sinh liên quan khi áp dụng các quy tắc đối với công dân Việt Nam. Đến nay, vẫn chưa có thông tin cập nhật về lộ trình mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế.

BẢO VY

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version