10 gương mặt doanh nhân nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam 2021, với những số liệu ước tính mới nhất về tài sản vốn hóa của họ (bao gồm sở hữu trực tiếp và gián tiếp, niêm yết và chưa niêm yết) trong năm nay, cho thấy phần nào bức tranh chung về môi trường kinh doanh năm nay.
Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục giữ vị trí người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, với khối tài sản vốn hoá ước tính khoảng 204,8 nghìn tỷ đồng. Chủ tịch Vingroup hiện đang trực tiếp nắm giữ 985,5 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu 1,17 tỷ cổ phiếu VIC thông qua Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Theo công bố mới đây của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đã có năm thứ 9 liên tiếp góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới tính đến ngày 23/12. Tạp chí này cũng vinh danh ông Vượng trong danh sách 15 nhà từ thiện hàng đầu châu Á năm 2021 (Asia’s 2021 Heroes Of Philanthropy).
Theo Forbes, kể từ năm ngoái, ông Phạm Nhật Vượng đã trao hơn 320 triệu USD để hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở Việt Nam. Vingroup đã đóng góp cho quỹ vaccine quốc gia mua 4 triệu liều vaccine COVID-19 và 33 triệu bộ kít xét nghiệm. Tập đoàn này cũng tặng hàng triệu liều thuốc kháng virus cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.
Vingroup hiện xếp thứ hai về vốn hóa trên sàn chứng khoán với xấp xỉ 370.000 tỷ đồng, sau Vietcombank. Ngoài ra, Vinhomes và Vincom Retail cũng đều trong danh sách doanh nghiệp tỷ USD trên với giá trị vốn hóa tương ứng vào khoảng 360.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng từ Covid-19, các hoạt động kinh doanh chính của Vingroup gồm cho thuê bất động sản (Vincom Retail), khách sạn du lịch (Vinpearl), sản xuất công nghiệp (VinFast)… đều ghi nhận mức thấp trong năm 2021.
Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn để lại những dấu ấn trong năm qua, đặc biệt trên thị trường quốc tế. Vào tháng 11, VinFast đã chính thức ra mắt 2 mẫu ô tô chạy điện VF e35, VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show – sự kiện đánh dấu bước tiến tiếp theo trong chiến lược xây dựng Vingroup trở thành một tập đoàn công nghiệp, công nghệ và dịch vụ.
Ông Trần Đình Long là một trong những cá nhân có tài sản vốn hoá gia tăng mạnh nhất trong một năm qua. Chủ tịch Hòa Phát đang trực tiếp sở hữu 1,16 tỷ cổ phiếu HPG với giá trị khoảng 53,3 nghìn tỷ đồng.
Trong năm qua, vốn hoá thị trường của Hoà Phát có thời điểm chạm mốc 11 tỷ USD, tăng 92% so với cuối năm trước và Hoà Phát lọt top 15 công ty thép giá trị nhất thế giới. Đến thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đầu ngành thép này đã lùi về mức xấp xỉ 9 tỷ USD.
Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép top 50 thế giới. 2021 là năm đầu tiên sản lượng xuất khẩu của Hoà Phát vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, năm nay Hoà Phát có thể vượt mốc 35.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mục tiêu đạt 100.000 tỷ đồng doanh thu của “vua thép” cách đây 3 năm đã trở thành hiện thực, chỉ sau 9 tháng đầu năm 2021.
Tháng 5/2021, Hòa Phát đã sở hữu dự án quặng sắt Roper Valley (Úc) với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm và đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài. Tập đoàn cũng đang nghiên cứu để trong tương lai có thể sẽ mua một vài mỏ than luyện cốc của Úc nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này.
Ngoài thép, Hòa Phát còn đang nghiên cứu và phát tiển quỹ đất để sẵn sàng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp. Tập đoàn cũng đã khởi công dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát tại Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm tận dụng lợi thế sẵn có, trong bối cảnh thị trường container vẫn đang còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Chủ tịch Tập đoàn FLC và Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết, đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý trong năm qua, bất chấp những khó khăn mà Covid-19 gây ra đối với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng và hàng không.
Bamboo Airways được xem là hãng hàng không hiếm hoi của Việt Nam và thế giới vẫn tăng trưởng trong năm qua, bất chấp dịch bệnh cả về công suất khai thác, đội bay, đường bay. Hãng hiện có kế hoạch niêm yết cổ phiếu BAV tại sàn giao dịch UpCOM trong quý 1 năm tới, với giá giao dịch dự kiến không thấp hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa của Bamboo Airways có thể lên đến 111.000 tỷ đồng. Hãng cũng song song hoàn thiện hồ sơ chào bán cổ phiếu BAV tại thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2022, với mục tiêu huy động 200 triệu USD thông qua phát hành 5-7% cổ phần.
Một công ty thành viên của FLC là CTCP Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes (FHH) cũng đang xúc tiến bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn HOSE, dự kiến sớm đưa cổ phiếu FHH vào giao dịch từ quý 1/2022. Giá chào sàn dự kiến 35.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa 14.560 tỷ đồng.
Tài sản vốn hoá của ông Trịnh Văn Quyết đã tăng đáng kể sau một năm qua, nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của các cổ phiếu nắm giữ, đặc biệt là FLC. Ông Quyết hiện nắm giữ hơn 30% cổ phần tại FLC, hơn 51% cổ phần CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (GAB), cùng với một tỷ lệ cổ phần tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Chứng khoán BOS (ART).
Đồng thời, nếu tính thêm khối lượng 951 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 51% sở hữu tại hãng hàng không Bamboo Airways, và 218 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 52% sở hữu tại FLCHomes hiện tại trên thị trường OTC, với những thông tin về giao dịch trong năm qua, nếu tính theo mức thấp thì tổng giá trị tài sản vốn hoá của ông Trịnh Văn Quyết vẫn có thể được ước tính vào khoảng 47,9 nghìn tỷ đồng.
Từ cuối tháng 9/2021, Bamboo Airways đã thực hiện thành công chuyến bay thẳng kết nối Việt – Mỹ, đồng thời chính thức công bố đường bay thẳng đến Mỹ. Hãng cũng đã công bố các đường bay thẳng tới Anh, Úc, sẵn sàng cất cánh chính thức từ đầu năm tới.
Ngoài hàng loạt dự án bất động sản được đưa vào hoạt động trong năm 2021, trong năm tới, FLC dự kiến triển khai trên 30 dự án thuộc hai phân khúc chiến lược là bất động nghỉ dưỡng và đô thị. Các dự án trọng điểm như FLC Premier Parc (Hà Nội); Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì, thành phố Việt Trì (Phú Thọ); Khu đô thị, du lịch sinh thái ven Sông Mã (Thanh Hóa); Khu đô thị mới Ninh Dương – Móng Cái (Quảng Ninh); Quần thể FLC Quảng Bình giai đoạn 3 (Quảng Bình); Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái FLC Gia Lai (Gia Lai); các dự án đô thị tại Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank đang trực tiếp nắm giữ 39,3 triệu cổ phiếu TCB và gián tiếp sở hữu 250,7 triệu cổ phiếu MSN của Masan Group. Đà bứt phá mạnh mẽ của hai cổ phiếu này trong năm qua đã giúp tài sản vốn hoá của ông tăng đáng kể, với khối tài sản vốn hoá vào khoảng 44,9 nghìn tỷ đồng.
Techcombank hiện là Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh lớn nhất sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa xấp xỉ 173 nghìn tỷ đồng. Nhà băng này được xem là đơn vị tiên phong trong chiến lược tiếp cận khách hàng kiểu fintech với chính sách “zero free”. Nhờ đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) liên tục lập kỷ lục và đạt đến 49,1% cuối quý 3/2021.
Những kết quả trên đến từ nỗ lực bền bỉ của Techcombank trên hành trình chuyển đổi số hóa nhiều năm qua.
Hồi tháng 9/2021, Techcombank đã tiếp tục tiên phong “Cloud First”, khai thác hiệu quả thế mạnh các dải dịch vụ điện toán đám mây của Amazon Web Services nhằm chuyển đổi trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy năng lực phát triển sản phẩm và dịch vụ sáng tạo mới.
Ông Nguyễn Đăng Quang cũng là một trong những cá nhân có tài sản vốn hoá gia tăng nhanh nhất năm qua.
Chủ tịch HĐQT Masan Group hiện đang nắm giữ 255,7 triệu cổ phiếu MSN bên cạnh 9,4 triệu cổ phiếu TCB và một lượng nhỏ cổ phiếu MCH của Masan Consumer. Khối tài sản vốn hoá của ông hiện vào khoảng 44,3 nghìn tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm.
Nhờ sự bứt phá của cổ phiếu MSN, Masan Group đã leo lên vị trí thứ 5 toàn sàn chứng khoán về vốn hóa với giá trị hơn 200 nghìn tỷ đồng. Các thành viên của Masan Group như Masan MeatLife (MML), Masan Consumer (MCH), Masan High-Tech Materials (MSR) cũng đều có mức vốn hóa lớn.
Sau khi cải thiện lợi nhuận thành công tại WinCommerce khi chuỗi bán lẻ này có quý đầu tiên lãi ròng, Masan dự kiến sẽ tăng tốc mở rộng mô hình mini-mall. Đây là một phần trong chiến lược “Point of Life”, tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm và Techcombank (tiện ích tài chính) và Mobicast (nhà mạng di động mới) vào một nền tảng khách hàng thân thiết.
Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt đối với The CrownX khi nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce liên tục hút dòng vốn ngoại thông qua các thương vụ đình đàm.
Mới nhất, SK Group đã đầu tư 340 triệu USD để mua lại cổ phần của The CrownX tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành. Trước đó vào hồi tháng 5, nhóm nhà đầu tư liên quan đến Tập đoàn Alibaba cũng đã ký kết thỏa thuận mua cổ phần của nền tảng này với tổng giá trị tiền mặt 400 triệu USD.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Group cũng trở thành “tân binh” trong danh sách tỷ phú hàng đầu sàn chứng khoán sau khi Sunshine Homes (SSH), KSFinace (KSF) và SCG lần lượt lên sàn và tạo ra các cơn sốt. Nhờ nắm giữ lượng lớn các cổ phiếu trên mà tài sản vốn hoá của vị tỷ phú này đã tăng nhanh chóng lên hơn 38 nghìn tỷ đồng.
Dù lên sàn chưa lâu nhưng Sunshine Homes cũng đã nhanh chóng lọt danh sách doanh nghiệp “tỷ USD” với vốn hóa 36,6 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn hóa của KSFinance cũng tiệm cận mức tỷ USD với 22,8 nghìn tỷ đồng.
Sunshine Homes được biết đến là thương hiệu phát triển bất động sản hạng sang của Sunshine Group, với các dòng sản phẩm bất động sản chính như: Sunshine Limited, Sunshine Hi-Lux Villas, Sunshine Premier, Sunshine Apartel, Sunshine Boutique,… cùng các chuỗi dự án Sunshine Heritage, Sunshine Capital…
Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.000 tỷ đồng và 300 tỷ đồng.
Một năm qua, danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của những tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản. Ông Bùi Thành Nhơn là một trong cái tên nổi bật với khối tài sản vốn hoá xấp xỉ 35,8 nghìn tỷ đồng, nhờ sở hữu lượng lớn cổ phiếu NVL trực tiếp và gián tiếp thông qua Novagroup.
Năm 2021, Novaland đặt mục tiêu doanh thu đạt 27.492 và lợi nhuận trước thuế đạt 4.100 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ bước sang giai đoạn 2 của chiến lược phát triển dài hạn với định hướng tập trung triển khai những dự án trọng điểm như: Aqua City Đồng Nai, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram…
Novaland tiếp tục đầu tư vào phân khúc BĐS trung – cao cấp với quỹ đất khoảng 5.400 ha, tổng giá trị phát triển quỹ đất đạt 45 tỷ USD. Trong 10 năm tới, tập đoàn sẽ bổ sung quỹ đất thêm khoảng 10.000 ha.
Sau 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất gần 10.362 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ nhưng mới thực hiện 37% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế lại giảm 5% xuống mức 3.653 tỷ đồng và hoàn thành 89% mục tiêu cả năm.
Với khối tài sản vốn hoá hiện ước tính lên đến hơn 32,6 nghìn tỷ đồng, ngoài vị trí Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là Chủ tịch HĐQT Sovico và Phó chủ tịch HĐQT HDBank.
2021 được đánh giá là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với ngành hàng không do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, Vietjet dưới sự chèo lái của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhờ tối ưu sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trong giai đoạn hàng không giảm khai thác và tái cấu trúc danh mục đầu tư.
Trong năm qua, Sovico cũng đã để lại ấn tượng tốt đẹp với nhà đầu tư chứng khoán khi hợp tác cùng FPT “giải cứu” thành công hệ thống giao dịch của HOSE sau thời gian dài quá tải, nghẽn lệnh.
Hệ thống mới hoạt động thông suốt có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường ít nhất từ 3-5 năm tới, đồng thời giúp HOSE hoàn toàn làm chủ về công nghệ trong tương lai, không còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.
2021 cũng là một năm bà Nguyễn Thị Phương Thảo để lại nhiều dấu ấn bên cạnh các hoạt động kinh doanh, khi trở thành nữ doanh nhân Việt đầu tiên được Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
Cổ phiếu PDR đã tăng gấp hơn hai lần trong năm qua, giúp khối tài sản vốn hoá của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt gia tăng đáng kể, ước tính lên mức 28.000 tỷ đồng.
Bất chấp dịch bệnh bùng phát kéo dài, Phát Đạt vẫn liên tục bung tiền thực hiện nhiều thương vụ M&A để thâu tóm quỹ đất.
Trong năm 2021, công ty đẩy mạnh săn quỹ đất mới là trung tâm phát triển kinh tế các địa phương, kết nối giao thông tốt, 3 mũi “giáp công” được nhắm đến gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng và Bình Dương.
Năm 2021, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4,7 nghìn tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 20% và 53% so với năm ngoái. Công ty bất động sản này chính là chủ sở hữu Bình Dương Tower và nắm toàn quyền quyết định việc phát triển dự án có diện tích lên đến 45.510 m2.
Cổ phiếu THD liên tục tăng nóng sau khi niêm yết, giúp tài sản vốn hoá của ông Nguyễn Đức Thụy, nhà sáng lập Thaiholdings tăng “chóng mặt” từ nửa sau của năm 2020.
Ông Thụy đang sở hữu trực tiếp gần 86 triệu cổ phiếu THD của Thaiholdings và hơn 34 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank. Giá trị tài sản vốn hoá tính theo thị giá các cổ phiếu này hiện vào khoảng 22,6 nghìn tỷ đồng.
Thaiholdings hiện là doanh nghiệp “tỷ đô” duy nhất trên sàn HNX với giá trị vốn hóa xấp xỉ 88 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này mới đây đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng Vũ trụ du lịch tại Phú Quốc của công ty con là CTCP – Tập đoàn Thaigroup.
Dự án có quy mô 30.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 2022-2026 với mục tiêu xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ du lịch tầm quốc tế.
Trong năm nay, Thaiholdings và các thành viên đã liên tục có động thái thoái vốn các khoản đầu tư trong đó đáng chú ý là chuyển nhượng 100% vốn Công ty Tôn Đản Hà Nội (đơn vị sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower, tòa nhà văn phòng tại Hà Nội). Nếu việc chuyển nhượng hoàn tất, nhóm công ty có thể thu về ít nhất 4,4 nghìn tỷ đồng.
(Theo DĐDN)
Nguồn: bizlive.vn