70% lãnh đạo cho rằng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh trong thời kỳ khủng hoảng

Rate this post
Phần lớn các nhà lãnh đạo đều có kỳ vọng cao về lợi nhuận mà các khoản đầu tư cho công nghệ sẽ mang lại cho doanh nghiệp của mình. Đồng thời, họ cũng tin rằng chuyển đổi số còn mang lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp…
Như thông tin, mới đây, Deloitte đã công bố báo cáo “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi”, cuộc khảo sát thứ ba của Deloitte trong năm về thị trường doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện với 2.750 lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân trên 33 quốc gia từ tháng 01 đến tháng 3/2021, tức là ngay trước thềm làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam.
Báo cáo của Deloitte cho thấy, các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân ở khắp nơi trên thế giới đã tận dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 như một chất xúc tác, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh.
“Khi thế giới hoạt động chậm lại do đại dịch, tốc độ thay đổi của các doanh nghiệp tăng nhanh lên”, báo cáo nhấn mạnh.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp tư nhân

Các chuyên gia của Deloitte đánh giá, có lẽ chưa có cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử hiện đại lại có tác động lớn đến hoạt động hàng ngày của con người như đại dịch COVID-19. Và cũng chưa từng có cuộc khủng hoảng nào buộc các doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đẩy nhanh sự chuyển đổi, khi mà lãnh đạo doanh nghiệp đang phải vật lộn để ứng phó, phục hồi và định vị lại để doanh nghiệp của mình tiếp tục phát triển trong môi trường hậu đại dịch.

Khi đại dịch diễn ra, các doanh nghiệp tư nhân đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua việc đầu tư và triển khai công nghệ nhiều hơn. Những sáng kiến đang trong quá trình triển khai được tăng tốc để hoàn thành, còn những sáng kiến đã lên bản thảo đã được triển khai.

Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác và liên minh mới. Họ theo đuổi các cơ hội mới để củng cố mạng lưới cung ứng và phát triển thị trường. “Họ nỗ lực nhiều hơn để hiểu rõ mục đích hoạt động của doanh nghiệp, tìm kiếm những cách thức mới để phát triển bền vững và củng cố niềm tin với nhân viên, khách hàng…”, báo cáo của Deloitte nhấn mạnh.

Gần 60% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng đại dịch cũng đồng thời đã tạo ra những cơ hội mới đáng kể cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo của các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều thống nhất rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới trong hầu hết mọi lĩnh vực. Trong đó, chuỗi cung ứng đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết với các hành lang thương mại đang tạm thời bị gián đoạn và năng lực sản xuất bị giảm đi đáng kể.

Cụ thể, có tới 60% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cần được thiết lập lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho biết đã xây dựng các mạng lưới cung ứng gắn kết hơn, không chỉ xem xét đến tính hiệu quả mà còn cả lợi ích.
Lấy ví dụ ngay từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez gần đây. Khi một tàu chở hàng bị mắc cạn đã khiến gần 400 tàu khác bị hoãn, gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu gần 10 tỷ USD mỗi ngày – một lần nữa cho thấy sự phụ thuộc của nhiều doanh nghiệp vào một chuỗi cung ứng toàn cầu vận hành tốt.
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo tham gia khảo sát tin rằng những tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong cả vài năm tới. Cụ thể, họ nhận định các rủi ro liên quan đến COVID-19 là những mối quan tâm hàng đầu trong 12 đến 36 tháng tới. Trong đó, những người quan ngại nhất là những người tham gia khảo sát đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, những người tham gia khảo sát ở tất cả các khu vực đều cho rằng tài trợ của Chính phủ để bù đắp tác động của đại dịch đến nền kinh tế là hình thức hỗ trợ quan trọng nhất của Chính phủ trong năm nay để tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng.
“Theo quan sát của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ để nâng cao sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp. Sắp tới đây, Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chính phủ Việt Nam hay chính phủ các nước trên thế giới đều đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời kỳ này”, ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private nhận định.
34% doanh nghiệp cho rằng tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến thị trường về nhu cầu sản phẩm, dịch vụ tới 36 tháng tới.
Chỉ có 20% doanh nghiệp tự tin về khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong vòng 01 năm tới.
Những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19

Kết quả khảo sát của Deloitte cho thấy có khá nhiều điểm tương đồng giữa cách các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng như Việt Nam đối diện và xác định ưu tiên hành động để giải quyết khủng hoảng trong giai đoạn này.

Trong đó, đa số các nhà lãnh đạo đều cho rằng mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này là phải nâng cao năng suất lao động và họ tin là việc này có thể thực hiện tốt.
Trong khi đó, việc chuyển đổi số chỉ là ưu tiên thứ hai trong giai đoạn. Tuy nhiên,các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng xác định đây sẽ là mục tiêuđược ưu tiên hàng đầu, bắt buộc của doanh nghiệp nếu muốn tăng trưởng.
Đồng thời, có sự khác biệt trong việc nhìn nhận tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của doanh nghiệp giữa doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao và thấp lên tới 18%. Đây cũng là khoảng cách lớn nhất trong khảo sát.
Nâng cao năng suất lao động là ưu tiên số 01 của doanh nghiệp trong 36 tháng tới
Ngoài ra, trong chiến lược phát triển,phần lớn doanh nghiệp ưu tiên việc phát triển tự thân thay vì mua bán và sáp nhập (M&A). Nhiều doanh nghiệp nhận định rằng tổ chức của họ có khả năng hoặc rất có khả năng sẽ bị mua lại trong 12 tháng tới, tăng đến 10% so với khảo sát năm 2019.
Và những doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao thường hoạt động tích cực hơn các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp. Động lực thúc đẩy chính bao gồm thâm nhập vào thị trường toàn cầu mới, mở rộng hoặc đa dạng hóa mạng lưới khách hàng và tăng thêm nguồn vốn.
Bên cạnh tác động đến hoạt động mua bán và sáp nhập, đại dịch cũng đang thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hình thành các mối quan hệ và đối tác chiến lược mới, theo nhận định từ 61% doanh nghiệp tham gia khảo sát và từ 78% doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao.
Chuyển đổi số còn mang tới những lợi ích khác cho doanh nghiệp

Tuy được xem là ưu tiên số hai của doanh nghiệp trong ba năm tới, song chuyển đổi số lại được các nhà lãnh đạo xác định là trọng tâm bắt buộc nếu muốn tăng trưởng.

Khảo sát chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo đều có kỳ vọng cao về lợi nhuận mà các khoản đầu tư cho công nghệ sẽ mang lại cho doanh nghiệp của mình.

Họ cũng tin rằng chuyển đổi số sẽ mang lại những lợi ích khác cho doanh nghiệp trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh số bán hàng, cũng như tăng cường khả năng quản lý, đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành, hoạt động.

70% doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số giúp tăng trưởng mạnh trong thời kỳ khủng hoảng.

Khảo sát của Deloitte cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số so với thời kỳ trước đại dịch. Trong đó, khoảng 7/10 doanh nghiệp tham gia khảo sát (gần 70%) cho rằng chuyển đổi số giúp họ tăng trưởng mạnh trong thời kỳ khủng hoảng.

Trong khi đó, hơn 25% doanh nghiệp khảo sát đã bắt đầu việc chuyển đổi số trước đại dịch COVID-19, hơn 50% doanh nghiệp cho biết họ bắt đầu chuyển đổi số nhằm ứng phó với đại dịch hoặc đang trong quá trình chuyển đổi.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao đã triển khai quá trình chuyển đổi số trước khủng hoảng hoặc đang trong quá trình chuyển đổi cao gấp gần hai lần so với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp (80% so với 43%).

Khoảng 26% doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã tiến hành chuyển đổi số trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, bên cạnh việc chuyển động với tốc độ nhanh hơn,
các tổ chức cũng đang tăng cường quy mô đầu tư vào công nghệ. Bảo mật thông tin dự kiến sẽ là khoản đầu tư về khoa học công nghệ cao nhất trong vòng 12 tháng tới, sau đó là điện toán đám mây và phân tích dữ liệu.
Phần lớn người tham gia khảo sát cho rằng doanh nghiệp của họ sẽ đầu tư vào những công nghệ đang phát triển như robotics, các loại phương tiện tự động, chẳng hạn như máy bay không người lái…
Bảo mật thông tin (an ninh mạng) là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngày 3/6/2020, Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030 và coi năm 2020 là Năm chuyển đổi số quốc gia. Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ tiếp tục chỉ ra 5 nhiệm vụ, giải pháp mà các bộ ngành, địa phương phải thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2021, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.

TUẤN VIỆT

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version