“40% doanh nghiệp bị tổn thương nguồn nhân lực bởi Covid-19”

Rate this post
Đây là số liệu mới được trang web tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đưa ra trong một báo cáo mới công bố.
Ảnh minh họa.
VietnamWorks, trang web tuyển dụng trực tuyến thuộc tập đoàn Navigos Group, vừa phát hành Báo cáo “Covid-19 và thị trường nhân lực: Những thách thức để tiến tới trạng thái bình thường mới” dựa trên kết quả khảo sát của 400 doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc.
40% doanh nghiệp bị tổn thương
Theo kết quả khảo sát của VietnamWorks trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sau giãn cách xã hội, khi được hỏi về tình hình doanh nghiệp, có đến gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực nhất định để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh.
Theo đó, 44% doanh nghiệp cho biết vẫn đang hoạt động bình thường, có khả năng duy trì lực lượng nhân sự cũng như lương và phúc lợi cho người lao động; 16% các doanh nghiệp cho biết họ đang tăng trưởng và tăng quy mô nhân sự.
Bên cạnh đó, nhóm chịu tổn thương do Covid-19 chiếm 40%, trong đó 30% doanh nghiệp đã phải cắt giảm nguồn lực nhân sự để duy trì qua cơn khủng hoảng, 10% các doanh nghiệp chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương, phúc lợi.
Qua kết quả khảo sát cũng cho thấy, có gần 40% người lao động đã mất việc và chưa có việc làm toàn thời gian trở lại. Trong số 60% lực lượng lao động còn đang đi làm thì 1/2 trong số này đã đang bị giảm thu nhập, dẫn đến giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng (nhóm lao động chính cũng đồng thời là nhóm mua sắm, tiêu dùng nhiều nhất trên thị trường), từ đó khiến doanh nghiệp buộc phải giảm năng suất sản xuất và chưa thể khôi phục kinh doanh hoàn toàn như khi trước dịch, kéo theo việc hạn hẹp hơn về những cơ hội việc làm do doanh nghiệp không có hoặc buộc phải giảm nhu cầu tuyển dụng.
Mặc dù sự tăng trưởng về số lượng công việc đăng tuyển trong 1 tuần đầu tháng 5/2020 (thời gian sau giãn cách) tăng đến 20%, nhưng vẫn chưa đủ để cân bằng cán cân cung – cầu khiến thị trường tuyển dụng và việc làm hiện nay vẫn cạnh tranh hơn bao giờ hết.
Cắt giảm nhân sự cấp thấp, giảm lương từ Quản lý cấp trung là phương án phục hồi phổ biến
Khi được khảo sát về việc “cắt giảm nhân sự tại các cấp bậc trong công ty”, 72% doanh nghiệp chọn cắt giảm nhóm nhân viên cấp thấp, trong đó 51% chọn cắt giảm nhóm nhân viên ít kinh nghiệm, 21% chọn nhóm Thực tập sinh/Mới ra trường.
Nhóm này cũng dự đoán sẽ đối mặt với khó khăn khi tìm việc mới, theo đó gần 42% doanh nghiệp lựa chọn khi khôi phục kế hoạch tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển nhân viên nhiều kinh nghiệm, chỉ 19% chọn tuyển nhân viên ít kinh nghiệm và 5% chọn tuyển Thực tập sinh/mới ra trường.
Đối với phương án giảm lương, có 58% các doanh nghiệp lựa chọn giảm lương của nhân sự cấp trung cấp cao, trong đó có 17% doanh nghiệm chọn nhóm Trưởng nhóm/Giám sát; 20% chọn cắt giảm lương nhóm Quản lý, 21% chọn nhóm Giám đốc/Trưởng bộ phận.
39% doanh nghiệp lạc quan sẽ khôi phục hoạt động tuyển dụng sớm
Khi được hỏi về thời gian hoạt động tuyển dụng trở lại, có đến 39% doanh nghiệp thể hiện sự lạc quan sẽ sớm khôi phục hoạt động tuyển dụng, trong đó 14% cho biết họ khôi phục hoạt động tuyển dụng ngay lập tức; 8% chọn nửa tháng sau, 17% chọn phương án khôi phục 1 tháng sau.
Bên cạnh đó, có 20% doanh nghiệp cho biết vẫn chưa xác định được khi nào đưa hoạt động tuyển dụng trở lại bình thường; 19% doanh nghiệp đợi đến 3 tháng sau, 17% chọn thời điểm nửa năm sau.
Khi được hỏi nếu công ty cũ mời làm việc lại thì có đến gần 60% ứng viên sẽ chấp nhận đề xuất này, ½ trong số này cho biết điều kiện đi làm lại là “sẽ không đồng ý giảm lương so với trước đây”.
Đối với nhóm chấp nhận giảm lương nhưng vẫn có một giới hạn nhất định về thời gian chấp nhận điều này, theo đó 70% số này cho biết sẽ chấp nhận trong 3 tháng trở lại.
Khi tiếp tục hỏi nếu thời gian giảm lương đã vượt quá mức chịu đựng thì hầu hết người tham gia khảo sát đều chọn có những phản ứng khác nhau để có được thu nhập tốt hơn đúng với mong đợi, trong đó 63% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tìm kiếm các cơ hội mới và chỉ 37% tiến hành đề nghị công ty tăng lương và phúc lợi.

LINH LINH

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version