31 tiểu thương Bến xe Đức Trọng phản đối quyết định thu hồi đất của tỉnh Lâm Đồng

Rate this post

31 hộ dân là các tiểu thương đang sinh sống, kinh doanh tại các ki ốt ở Bến xe Đức Trọng cho biết bất ngờ và hoang mang trước quyết định thu hồi đất dự án của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Các tiểu thương phản đối quyết định thu hồi đất bến xe Đức Trọng – Ảnh: Huyền Trâm.

Như Nhịp sống doanh nghiệp – đề cập, ngày 16/9 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định 2009 về việc thu hồi toàn bộ diện tích 4.345m2 đất đã cho Công ty TNHH Trường Sơn Xanh thuê tại Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Bến xe Đức Trọng). Lý do thu hồi do công ty sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước cho thuê.

Theo thông báo 918 ngày 30/10 của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, 8 giờ 30 sáng ngày 6/11 sở này mời đại diện UBND huyện Đức Trọng, Phòng Tài nguyên môi trường huyện, Công ty Trường Sơn Xanh tham dự buổi bàn giao đất thu hồi của chủ đầu tưdự án. Địa điểm tổ chức bàn giao tại Bến xe Đức Trọng.

Tuy nhiên, ghi nhận trong sáng ngày 6/11, chỉ có đại diện Công ty Trường Sơn Xanh có mặt tại địa điểm nêu trên. Phía Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh cũng như các đơn vị liên quan không thấy tham dự.

Bên cạnh đó, khi biết được thông tin về buổi làm việc trên, nhiều tiểu thương đang sinh sống, kinh doanh tại các ki ốt ở Bến xe Đức Trọng đã có mặt để tìm hiểu thông tin liên quan tới vụ việc.

Theo đó, 31 hộ dân tại bến xe cho biết bất ngờ và hoang mang trước quyết định thu hồi đất dự án của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Chị Nguyễn Thị Cúc, một trong số các tiểu thương tại đây chia sẻ, ki ốt mà hiện gia đình chị đang sinh sống, kinh doanh tại bến xe được phía Công ty Trường Sơn Xanh (ông Huỳnh Ngọc Bé đại diện) ký hợp đồng chuyển nhượng 10 năm trước. Bến xe vận hành hơn 10 năm nay tỉnh thu hồi mà không thông báo cho người dân biết, họ không biết sẽ sống ra sao.

“Mỗi ki ốt hiện có giá trung bình 4 tỷ đồng, 31 hộ dân là hàng trăm tỷ đồng thiệt hại”, chị Cúc cho biết.

Ông Phan Điền, Giám đốc Nhà xe Điền Linh cho biết, mỗi ngày nhà xe có 10 chuyến chạy tuyến Đức Trọng – Hà Nội và Đức Trọng – TP.HCM. Hoạt động vận tải hành khách tại bến xe diễn ra bình thường, yên ổn trong suốt 10 năm qua.

“Giờ nhà nước có quyết định thu hồi thì doanh nghiệp biết đi đâu về đâu? Trên địa bàn huyện, đây là bến xe duy nhất, nếu nhà nước thu hồi thì chúng tôi phải ra đứng đường. Mà đứng đường là vi phạm quy định pháp luật vì trở thành xe dù, bến cóc”, ông Điền băn khoăn.

Ông Điền cũng cho hay, ông là người địa phương và gắn bó với bến xe ngay từ đầu thành lập. Kể từ khi khu đất này là bãi đất trống, chính công ty quản lý bến xe đã kêu gọi bà con vào để kinh doanh buôn bán.

“Chúng tôi đã ký hợp đồng thuê với ông Huỳnh Ngọc Bé, người đứng đầu quản lý bến xe lúc bấy giờ. Chúng tôi xây nhà, làm ăn buôn bán tại đây. Sao cách đây 10 năm không nói gì, giờ dân xây dựng hết cả rồi thì đến thu hồi? Sai chỗ nào sửa chỗ đó. Người nào sai thì phải xử lý người đó, chứ tại sao bắt người dân gánh chịu?”, ông Điền bày tỏ ý kiến trước việc tỉnh thu hồi đất dự án bến xe.

Tương tự, ông Trương Thanh Lâm hiện sống độc thân tại đây cho biết mình mưu sinh bằng việc bán nước tại bến xe, việc tỉnh thu hồi đất khiến ông bàng hoàng, lo lắng…

Các tiểu thương cho rằng việc sai phạm của ông Bé không thể bắt họ chịu trận – Ảnh: Huyền Trâm.

Nạn nhân trong sai phạm của người khác

Trước khi có quyết định thu hồi đất bến xe, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo 209 ngày 14/8 nêu kết luận của ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Tổ trưởng Tổ công tác tại buổi làm việc về triển khai thực hiện xử lý sai phạm dự án Bến xe Đức Trọng.

Văn bản trên nêu, theo Kết luận thanh tra 03 ngày 11/1/2019 của thanh tra tỉnh Lâm Đồng và tờ trình 327 của Sở Tài nguyên Môi trường ngày 27/7/2019 thì dự án bến xe do Công ty Trường Sơn Xanh làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện từ 2008-2009 và được Sở GTVT công bố đưa vào hoạt động từ 1/8/2010.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động khai thác bến xe, Công ty Trường Sơn Xanh đã ký hợp đồng hợp tác với các hộ dân và để các hộ dân sử dụng đất, xây dựng 24 công trình không đúng giấy phép và công năng với diện tích hơn 1.382m2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu, sau khi tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, giao sở tài nguyên môi trường lập thủ tục thu hồi sổ hồng.

Giao UBND huyện Đức Trọng có biện pháp xử lý những tồn tại của dự án, đảm bảo hài hòa, quyền lợi của các hộ dân, tranh khiếu kiện, khiếu nại.

Tuy nhiên, trên thực tế các hộ dân đang sinh sống tại Bến xe Đức Trọng cho biết họ không được thông tin về việc tỉnh thu hồi đất dự án. Các tiểu thương cho rằng họ sinh sống hàng chục năm qua tại bến xe nhưng nay lại trở thành nạn nhân trong sai phạm của người khác.

Kết luận của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thể hiện chỉ đạo xử lý những tồn tại của dự án, đảm bảo hài hòa, quyền lợi của các hộ dân, tranh khiếu kiện, khiếu nại.

Cụ thể, trong kết luận thanh tra 03 của thanh tra tỉnh Lâm Đồng đề cập, các sai phạm tại dự án chủ yếu xảy ra trong thời kỳ 2008-2013, do người đại diện pháp luật của Công ty Trường Sơn Xanh không chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai; ký kết hợp đồng với các hộ gia đình, cá nhân, đơn vị kinh doanh xây dựng công trình, sử dụng đất sai mục đích.

Thanh tra tỉnh cũng nêu trách nhiệm trong đó có ông Huỳnh Ngọc Bé, Giám đốc Công ty TNHH Gia Thành, nguyên Giám đốc Công ty Trường Sơn Xanh thời kỳ 2013-2016. Ông Bé phải chịu trách nhiệm về các sai phạm xảy ra liên quan đến việc nhận chuyển giao dự án, ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng và thu tiền thuê đất đối với các hộ gia đình, cá nhân trái luật.

Trước thông tin Sở Tài nguyên Môi trường ra quyết định yêu cầu Công ty Trường Sơn Xanh bàn giao đất bến xe cho huyện Đức Trọng quản lý, đồng thời giao nộp sổ hồng cho sở, các tiểu thương tại bến xe đã phản đối điều này. Họ cho rằng ai sai người đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể bắt người dân vốn không có lỗi trong vụ việc này phải chịu trận.

HUYỀN TRÂM

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version