Vì sao VN-Index trở lại đỉnh lịch sử sau gần 3 năm lại thiếu bóng dáng cổ phiếu Vinamilk (VNM)?

Rate this post

Vinamilk là một trong những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên thị trường từ đầu năm 2021 với giá trị bán ròng lên đến 2.100 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Thị trường chứng khoán Việt Nam lại ghi nhận thêm dấu mốc quan trọng khi VN-Index lần đầu đóng cửa trên 1.200 điểm (phiên 18/3) sau gần 3 năm rời đỉnh lịch sử cuối tháng 3/2018. Khác với lần trước, con sóng lần này càng trở nên đặc biệt hơn khi thiếu vắng dấu ấn của khối ngoại và cả bóng dáng của Bluechips “gạo cội” là Vinamilk (mã VNM).

Thống kê từ đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 12.500 tỷ đồng trên nhiều Bluechips nhưng nổi bật trong số đó là cổ phiếu VNM bị bán ròng lên đến 2.100 tỷ đồng. Thậm chí, nếu không tính đến giá trị thỏa thuận, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên cổ phiếu này còn lên đến gần 3.400 tỷ đồng.

Áp lực bán ròng của khối ngoại đè nặng lên diễn biến giá cổ phiếu này từ thời gian qua bất chấp lực đỡ khá mạnh từ dòng tiền trong nước. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 101.700 đồng/cổ phiếu, giảm gần 7% so với đầu năm, trong khi VN-Index tăng trưởng 6,6%.

Diễn biến cổ phiếu VNM trên tương quan với VN-Index từ đầu năm 2021

NGÀNH SỮA TRONG NƯỚC ĐẾN GẦN ĐIỂM BÃO HÒA

Một trong những yếu tố khiến cổ phiếu VNM dần trở nên “mất điểm” đối với nhà đầu tư nước ngoài đến từ khả năng tăng trưởng cao còn bỏ ngỏ. Giới đầu tư cho rằng Vinamilk đang dần chững lại khi thị trường sữa trong nước có dấu hiệu bão hòa và sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng sữa có tiềm lực và danh tiếng trên thế giới.

Trong báo cáo mới đây, CTCK Mirae Asset đã giảm dự phóng tốc độ tăng trưởng doanh thu nội địa của Vinamilk năm 2021 từ mức 8,8% trong dự báo trước đó xuống còn 3,5% so với cùng kỳ.

Để giải bài toán tăng trưởng, Vinamilk đang tập trung mở rộng thị trường quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tuy nhiên quá trình này gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu trên toàn cầu.

Mirae Asset kỳ vọng doanh thu xuất khẩu trực tiếp năm 2021 của Vinamilk sẽ tăng trưởng 15% so so với cùng kỳ nhờ sự phát triển của thị trường Trung Đông và thị trường mới là Philippines tuy nhiên doanh thu của các công ty con tại nước ngoài có thể đi ngang trong năm 2021.

Ngoài ra, doanh thu của GTNfoods cũng được kỳ vọng sẽ tăng 11,6% so với cùng kỳ nhờ nâng cấp dây truyền sản xuất sữa hộp 180ml. Dù vậy, dự phóng tăng trưởng doanh thu hợp nhất năm 2021 của Vinamilk chỉ ở mức 4,4% so cùng kỳ.

Mirae Asset dự phóng kết quả kinh doanh của Vinamilk và các đơn vị thành viên

Cùng quan điểm cho rằng ngành sữa Việt Nam đang có dấu hiệu bão hòa, cổ đông lớn Arisaig Asia Consumer Fund, quỹ chuyên nắm giữ dài hạn các khoản đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng đã thoái toàn bộ gần 30 triệu cổ phiếu VNM trong năm 2020 sau nhiều năm nắm giữ.

Được biết, Vinamilk là khoản đầu tư dài hạn và được Arisaig Asia Consumer Fund mua trong phiên đấu giá năm 2002 trước khi bán ra vào năm 2007. Sau khi mua lại, Vinamilk đã mang lại khoản lợi nhuận bình quân 20% mỗi năm (tính theo USD) trong 11 năm cho quỹ ngoại này.

CUỘC ĐUA GOM CỔ PHẦN CỦA 2 CỔ ĐÔNG NGOẠI

Bên cạnh bài toán tăng trưởng còn nan giải, cuộc đua gom cổ phần giữa các cổ đông ngoại tưởng chừng sẽ đem đến nhiều tích cực lại vô tình trở thành rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn tiếp cận Vinamilk.

Từ sau các thương vụ thoái vốn của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Vinamilk giai đoạn 2016-2017, 2 cổ đông ngoại Platinum Victory thuộc Tập đoàn Jardinr Cycle & Carriage (JC&C) của Singapore và F&N Dairy Investments thuộc Fraser & Neave Limited của Thái Lan đều không dấu tham vọng gia tăng sở hữu tại “đại gia” ngành sữa Việt Nam.

Tuy nhiên, điệp khúc đăng ký – không mua được – lại đăng ký mua lặp đi lặp lại với khối lượng chỉ khoảng 1% lượng cổ phiếu lưu hành của Vinamilk gây ra không ít hoài nghi về tham vọng thực sự của 2 quỹ ngoại trên. Nhiều giả thuyết cho rằng đây là động thái “đánh tiếng” chờ tín hiệu thoái vốn từ cổ đông Nhà nước đang nắm giữ 30%.

Ngoài 2 quỹ ngoại nói trên, cơ cấu cổ đông của Vinamilk còn có sự tham gia của rất nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp như nhóm quỹ Mathews, nhóm Genesis, Deutsche Bank, Vietnam Ventures, Government of Singapore, nhóm Dragon Capital, nhóm Morgan Stanley,… Dù vậy, trong trường hợp SCIC thoái vốn tại Vinamilk, nhiều khả năng cuộc chơi vẫn sẽ là màn so găng giữa Platinum Victory và F&N Dairy Investments.

Cơ cấu cổ đông của Vinamilk gồm rất nhiều tổ chức nước ngoài

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version