Iran bỏ 4 số 0000 khỏi đồng rial
Tổng thống Iran Hassan Rohani mới đưa ra quốc hội một dự luật theo đó sẽ bỏ bớt bốn số không trên đồng rial đang mất giá trầm trọng.
Các hãng tin bán chính thức đưa tin về động thái này, nói rằng ông Rohani đưa dự luật ra một cách gấp gáp để quốc hội xem xét.
Đồng rial của Iran đã mất giá mạnh do quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi năm 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt giữa Tehran và các cường quốc thế giới và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Iran bỏ 4 số 0000 khỏi đồng rial
Động thái của Mỹ đã làm dừng các giao dịch kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la và ngăn chặn việc Iran bán dầu thô ra nước ngoài.
Vào ngày 21 tháng 8, đồng rial giao dịch ở mức 116.500 đổi 1 đô la. Tại thời điểm đạt thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng rial giao dịch ở mức 32.000 đổi 1 đô la.
Hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ dự báo nền kinh tế Iran sẽ giảm 6% trong năm nay và lạm phát có thể lên tới 40%, khi nước này phải vật lộn với tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Động thái này do Ngân hàng Trung ương Iran đề xuất như một phần trong kế hoạch cải cách hệ thống tiền tệ lớn hơn của quốc gia Trung Đông này.
Biện pháp trên đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản đối với đồng tiền quốc gia, trong đó có việc đổi tên đơn vị tiền tệ từ đồng Rial chính thức sang tên được sử dụng phổ biến là “Toman”. Mỗi Toman sẽ có giá trị tương đương 10.000 Rial nếu đề xuất trên được Quốc hội Iran thông qua. Trang tin Eghtesadonline không tiết lộ khi nào cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra.
Cùng với một số biện pháp khác, động thái nói trên được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao dịch, giảm chi phí in tiền giấy và tiền xu, cũng như tăng tính hiệu quả của hệ thống tiền tệ.
Iran sẽ đổi tên tiền Rial
và xóa bỏ 4 số 0 trên đơn vị tiền tệ. (Nguồn: Getty)
Lạm phát phi mã, sức mua sụt giảm nhanh, khối lượng tiền giấy đang lưu hành ngày càng lớn, giá trị đồng tiền giảm so với các loại tiền tệ khác và việc sử dụng các chữ số lớn trong các giao dịch tài chính được xem là những yếu tố thúc đẩy Tehran phải tiến hành cải cách hệ thống tiền tệ.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif ngày 18/4 cho biết Iran đã thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc ra mắt một cơ chế tài chính tương tự như INSTEX được Liên minh châu Âu (EU) công bố mới đây.
Hồi tháng 1/2019, EU đã tuyên bố thành lập kênh thanh toán có tên INSTEX để bảo đảm các hoạt động giao thương với Iran và tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018 vừa qua