Giảm mục tiêu tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP tới 2025 “khả thi” hơn

Rate this post
Theo quyết định sửa đổi, bổ sung mới được Chính phủ ban hành, đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, giảm 3-4% so với mục tiêu trước đó.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 221/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Theo đó, Chính phủ đã sửa đổi khoản 1, mục II (mục tiêu), Điều 1 của Quyết định số 200/QĐ-TTg.
Cụ thể, đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt 50 trở lên.
Trước đó, tại Quyết định số 200/QĐ-TTg, mục tiêu tới 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%.
Cùng với đó, quyết định cũng bổ sung lộ trình thực hiện Kế hoạch tới 2025 ( mục IV, Điều 1).
Cụ thể, năm 2020 – 2021, rà soát tình hình thực hiện và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Năm 2022, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Năm 2023, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045.
Năm 2024, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045.
Năm 2025, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045.
Ngành logistics lâu nay vốn được coi là “xương sống của nền kinh tế”, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt hoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn, như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics…

Các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó 89% là doanh nghiệp Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

TUẤN VIỆT

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version